Ấp ủ ước mơ du học Hàn Quốc từ khi còn là học sinh trung học, Nguyễn Ngọc Trâm đã không ngừng cố gắng và nỗ lực để trở thành thủ khoa khoa tiếng Hàn (Đại học Hà Nội) và sau đó nhận được học bổng toàn phần của chính phủ Hàn Quốc.
Học chuyên Anh nhưng lại chọn tiếng Hàn
Nguyễn Ngọc Trâm sinh ngày 6 tháng 10 năm 1993. Trâm từng là học sinh lớp Chuyên Anh, TrườngTHPT Chuyên - Đại học Vinh, Thành phố Vinh, Nghệ An. Với khả năng học tập tốt, Trâm có thể thi vào nhiều trường khác nhau nhưng cô gái này lại quyết định lựa chọn khoa Hàn - Đại học Hà Nội vì niềm đam mê đặc biệt đối với 'xứ sở kim chi'.
Trâm chia sẻ không biết từ lúc nào em lại mang trong mình tình yêu với quốc gia này mãnh liệt đến thế. Càng nghiên cứu về Hàn Quốc Trâm lại càng bị cuốn hút bởi cảnh sắc và con người nơi đây. Trâm tự nhủ một ngày nào đó mình phải đặt chân lên mảnh đất này.
Nguyễn Ngọc Trâm - Sinh viên năm 2 khoa Ngôn ngữ và Văn học Hàn Quốc, Trường Đại học Korea.
Trở thành thủ khoa khoa tiếng Hàn của Đại học Hà Nội vào năm 2012 có thể được coi là thành công lớn với Nguyễn Ngọc Trâm. Nhưng không dừng lại tại đó, Trâm tiếp tục làm hồ sơ đăng ký Học bổng chính phủ Hàn (viết tắt là KGSP) với mong muốn được học trong một môi trường chuyên nghiệp hơn và đến nơi mình hằng ao ước.
Trâm cho biết, chính phủ Hàn mỗi năm chỉ cấp cho sinh viên Việt Nam 2 suất học bổng nên tỷ lệ chọi là khá cao.
"Tất cả các bạn apply (đăng ký) học bổng này đều là những sinh viên xuất sắc và chắc cũng rất yêu Hàn Quốc như em nên em cũng khá lo lắng và cũng không kì vọng quá nhiều.", Trâm chia sẻ.
Nhưng không kì vọng không có nghĩa là không hi vọng. Dù chịu áp lực lớn nhưng Trâm luôn nỗ lực hết mình, cố gắng phát huy hết năng lực của bản thân cũng như thể hiện khát khao, nguyện vọng, ý chí muốn được sang Hàn học trong bản Giới thiệu cá nhân (Personal Statement) và vạch ra thật chi tiết, rõ ràng Kế hoạch học tập (Study Plan).
Những nỗ lực của cô gái này đã được đền đáp khi Trâm là một trong hai sinh viên Việt Nam nhận được Học bổng toàn phần chính phủ Hàn Quốc năm 2013 cho hệ đại học gồm một năm tiếng và bốn năm học chuyên ngành.
Hiện tại, Trâm là sinh viên năm 2 khoa Ngôn ngữ và Văn học Hàn Quốc, trường đại học Korea. Đây là một trong những trường công lập lâu đời, rộng lớn và có chất lượng giáo dục tốt nhất Hàn Quốc.
Theo Trâm, "chính kết quả học tập và niềm khao khát được sang Hàn đã giúp em đạt được kết quả như ngày hôm nay".
Khó khăn lớn nhất khi du học là "Hòa nhập" và "Cạnh tranh"
Tính đến thời điểm hiện tại, Trâm đã hoàn thành một năm tiếng và năm thứ nhất chuyên ngành. Dù đã có một năm học ngôn ngữ bản địa nhưng Trâm cho biết em vẫn luôn gặp phải những khó khăn liên quan đến vấn đề ngôn ngữ khi bắt đầu học kì nhất đại học bên cạnh khó khăn trong việc tiếp thu kiến thức chuyên ngành.
"Giáo sư giảng nhanh trong thứ ngôn ngữ không phải tiếng mẹ đẻ, còn phải cạnh tranh với sinh viên Hàn từng con điểm nên khá vất vả cho sinh viên nước ngoài. Bên cạnh đó, sinh viên Hàn không quá thân thiện nữa nên có thể nói khó khăn lớn nhất khi học ở đây là vấn đề ‘Cạnh tranh’ và ‘Hòa nhập’.", Trâm nói.
Nguyễn Ngọc Trâm và những người bạn ngoại quốc
Tuy nhiên, Trâm cho biết có rất nhiều Giáo sư Hàn yêu quý và hiểu được những trở ngại mà sinh viên nước ngoài gặp phải nên luôn hỗ trợ họ về mặt tinh thần cũng như rất thân thiện giải đáp những thắc mắc trong bài giảng.
Trâm chia sẻ, trường em trung bình mỗi kỳ có hơn 300 sinh viên quốc tế đến học. Nhờ có sự đa dạng trong ngôn ngữ, văn hóa ấy đã giúp Trâm cảm thấy đỡ lạc lõng hơn, tự tin, năng động và cởi mở hơn trên con đường hòa nhập môi trường sống nơi đây.
Em cũng cho hay, ở Hàn Quốc phân chia thời gian học-nghỉ khá hợp lý: mỗi năm có 2 kỳ học, mỗi kỳ 4 tháng và 2 kỳ nghỉ, là nghỉ Đông và nghỉ Hè mỗi kỳ 2 tháng. Mỗi kỳ học tuy chỉ có 4 tháng nhưng học khá tập trung và căng thẳng.
Theo Trâm, giáo dục Hàn Quốc đang dần hướng đến mục tiêu tiêu chuẩn quốc tế, chương trình học đa dạng, cơ sở vật chất hiện đại, sinh viên đi học được phát huy tối đa khả năng của bản thân thông qua những lần thuyết trình, thảo luận lớp, làm việc nhóm (presentation, topic discussion, team project,..). Kỳ nghỉ thường kéo dài là để sinh viên có thời gian đi du lịch, trao đổi, tham gia các hoạt động tình nguyện, hay đơn giản là để 'enjoy life' (hưởng thụ cuộc sống).
Sẽ về Việt Nam làm việc
"Sau khi hoàn thành xong chương trình hê cử nhân, em muốn xin thêm học bổng học Master. Sau đó em sẽ làm việc ở Hàn trong vài năm đầu để học hỏi kinh nghiệm, nhưng về lâu dài em vẫn muốn trở về làm cho các tổ chức, doanh nghiệp Hàn Quốc ở Việt Nam để phục vụ quê hương, đất nước mình."