Tôi còn nhớ mình đến trường Chuyên vào một ngày đầu thu, khi heo may se sẽ thổi tung sợi tóc con gái. Tôi khi ấy 22, bầu bĩnh như trẻ con và vẫn ngây thơ, vụng dại, tay nắm chặt chiếc cặp dày nặng trĩu những trang giáo án mà vẫn còn chưa hết run. Rón rén mãi tôi cũng không dám bước vào phòng Hội đồng mà cứ luẩn quẩn, ra vào nơi ghế đá để ai đi qua, thôi thì cứ nghĩ tôi là học sinh trong trường hay 1 sinh viên nào đó thoáng qua cũng được.

22, tôi vừa là học viên Cao học vừa tập tọng bước những bước non nớt vào nghề. Bên các thầy cô đã kì cựu, một con bé gan góc, lì lợm bỗng chốc thấy thiếu tự tin ghê gớm. Nhất là khi tôi được giao cho những học sinh đầu đời ở một lớp hệ Bán công có lẽ nghịch nhất trường. Thế là, tôi phải bước chân ra khỏi căn phòng trọ sinh viên chật hẹp với ngổn ngang sách vở, với khung cửa sổ chỉ có những giấc mơ rất lãng mạn về nghề để trở thành 1 giáo viên- với một tâm lý thiếu tự tin như thế!

Lần đầu tiên, tôi biết được làm giáo viên khó đến thế nào. Cái khó nhất hoàn toàn không phải là kiến thức bởi kiến thức là thứ mình có thể làm chủ. Thứ tôi không thể làm chủ khi ấy lại là… học sinh. Điều mình thức đêm, thức hôm nghiên cứu để dạy thì chúng chẳng quan tâm. Những câu hỏi mình cố tránh đi là cô có người yêu chưa? Cô bao nhiêu tuổi? Lần đầu tiên cô đi dạy à? Sao cô run thế? thì chúng lại xoay cho bằng được. Rồi muôn vàn những trò nghịch ngợm tôi không kể xiết để thử thách độ …lì của cô. Lớp học những ngày đầu thật nhao nhác. Và tôi, hôm nào cũng thế, bước vào lớp với 200 % năng lượng và khi ra khỏi lớp, như cây đèn vắt kiệt hết dầu. Sách vở, trường Đại học không dạy những tính huống oái oăm như thế nên tôi thấy mệt mỏi và bay biến đi tình yêu với nghề. Khởi đầu nghề giáo của tôi là nước mắt, sự chán nản và bất lực. Đó là tôi của 22.

Quãng thời gian ấy may mắn cũng mau chóng qua đi. Chắc tại vì học trò đã phát hiện ra tôi không hiền và cũng bắt đầu thấy thương xót cô giáo trẻ. Lớp bắt đầu học có sách giáo khoa và vở ghi, hôm nào đẹp trời còn có đứa chịu soạn bài. Không biết chúng có tìm thấy tình yêu môn Văn hay tình thương với tôi như tôi tự an ủi mình không nữa nhưng quả thật, những mẩu giấy nho nhỏ học trò gửi vào tháng 11 năm ấy khiến tôi rất xúc động. Có cậu học trò rất ngoan còn thường xuyên đèo cô về vì 22, tôi vẫn đi bộ như ngày sinh viên, thơ thẩn đi dạy vậy thôi.

22, tôi vẫn loay hoay không biết mình có chọn nhầm nghề hay không? 22, tôi vẫn lơ ngơ ôm cặp nơi ghế đá chờ đến giờ dạy mà không dám vào văn phòng trường. Nhưng 22, tôi cũng có những học trò đầu tiên yêu quý mình, kể cho tôi vô vàn những chuyện… cực kì quan trọng của chúng. Tôi cũng có những người thầy, người anh, người chị, người bạn nơi mái trường này.

Khi bắt đầu yêu trường, yêu lớp, làm quen với đồng nghiệp thì tôi tốt nghiệp Cao học và về quê đi dạy vì ở trường chuyên, tôi vẫn chỉ là 1 giáo viên hợp đồng. Đêm hôm lên tàu về Thanh Hóa, tôi đã khóc rất nhiều vì mới kết hôn mà vợ chồng đã xa nhau và cũng vì 8 năm gắn bó của tôi ở mảnh đất này cũng đã hết. Quê nhà cho tôi cảm giác yên bình, học trò thân thiện và đồng nghiệp thì đáng yêu, đáng mến vô cùng. Những năm tháng ở quê đi dạy, tôi được sống thoải mái, vô lo, vô nghĩ nhất. Và tôi vẫn nghĩ, tôi sẽ mãi ở nơi này cho đến khi già đi. Duyên của mình với trường Chuyên có lẽ chỉ đến vậy thôi…

Bởi vậy, thật bất ngờ khi năm 2015, tôi được quay trở lại trường Chuyên. Gác lại tất cả những gì đã tạo lập ở quê nhà, tôi dắt 2 con nhỏ lên tàu vào lại Nghệ An để bắt đầu lại từ đầu. Tuy không còn là cô bé 22 thấy gì cũng rụt rè, e ngại nhưng tôi vẫn phải bắt đầu hành trình của mình từ số không: xa gia đình nội ngoại, thuê nhà ở trọ, đầu bù tóc rối với 2 đứa con lít nhít, kinh tế eo hẹp và bản thân chưa có uy tín nghề nghiệp ở nơi này… Đó là quãng thời gian quả thật rất khó khăn trong đời mà giờ nhớ lại, tôi vẫn rùng mình sợ hãi.

 Nhưng trường Chuyên đã bù đắp cho tôi rất nhiều: đồng nghiệp đáng mến, học trò đáng yêu, phụ huynh thấu hiểu với công việc nhọc nhằn và tâm huyết thầy cô đã bỏ ra. Tôi cảm thấy mình đã trở thành 1 phần bé nhỏ của ngôi trường này và trường đã trở thành một phần thật lớn lao trong tôi. Từ đó, tôi nhủ mình hãy như chú ốc sên, cứ lặng lẽ bò, bò mãi rồi thế nào, có ngày mình cũng đến đích.

Thời gian cứ trôi. Mỗi thế hệ học trò tôi gặp đều mang lại những niềm hạnh phúc quý giá của nghề đi dạy. Tình yêu hồn nhiên của chúng khiến tôi cảm động. Khát vọng của chúng khiến tôi nhìn lại tôi của ngày xưa để rồi, theo một cách rất tự nhiên, tôi muốn được là người đồng hành vô điều kiện. Những điều làm được cho học trò chưa nhiều nhưng mỗi một thế hệ học trò đến và đi đều dạy cho tôi bài học quý giá, rằng phải làm một người giáo viên thật tử tế.

Cuộc sống giờ đã dễ dàng hơn nhưng áp lực nghề nghiệp với tôi vẫn như những ngày đầu. Ở ngôi trường này, khi đồng nghiệp giỏi giang và học trò xuất sắc, tôi lại càng phải nỗ lực hơn bao giờ hết. Tôi không tham vọng trở thành người vượt trội mà chỉ muốn mình không bị tụt lại phía sau. Sách vở phải đọc nhiều hơn, giáo án phải trăn trở hơn và những kì thi căng thẳng khiến dạ dày trở chứng. Có những tháng ngày phải thức xuyên đêm, nhất là những lúc đội tuyển quốc gia sắp thi. Trò mệt, cô khóc. Đôi khi, việc nhà, việc con cái tôi sao nhãng vì không đủ thời gian và công sức để phân chia mình cho hết thảy… Nhưng cứ lúc nào mệt mỏi quá, tôi suýt tặc lưỡi buông xuôi thì 1 tin nhắn học trò hỏi bài, 1 lời cảm ơn của chúng lại khiến tôi xốc lại. Chỉ cần thế thôi! 37, tôi vẫn còn ngây dại và dễ dụ như thế đấy!

37, tuy không còn trẻ nữa nhưng tôi vẫn là chú ốc sên đang chậm chạp bò trên hành trình của mình. Chỉ có điều, hành trình của tôi không còn đơn độc khi bên cạnh có gia đình nhỏ, đồng nghiệp, phụ huynh, học trò cùng đồng hành. Tôi không tham vọng điều gì thật lớn lao nữa ngoài sự bình yên và có chăng, một chút ích kỉ muốn giữ học trò cho riêng mình, muốn chúng mãi mãi là học trò của tôi, của riêng tôi mà thôi…

 Nhân dịp trường yêu quý của tôi tròn 55 tuổi, tôi muốn nói với tri ân chân thành của mình với đồng nghiệp, phụ huynh và học trò, những người tôi đã có duyên gặp gỡ và yêu quý tôi. Quả thực, những điều trường Chuyên và mọi người cho tôi đã quá đủ đầy mà không biết, liệu đi hết hành trình của nghề, tôi có thể báo đáp không nữa…

Vì lẽ đó, tôi chỉ có thể đem tình yêu vĩnh viễn từ tuổi 22 và sự miệt mài, khiêm nhường của chú ốc sên hiện tại để đáp lại ân tình lớn lao ấy thôi.

Vinh, tháng 11/2021