BÀI CA HÔM NAY

 


Thầy giáo Lê Đình Thanh
Nguyên Giáo viên Ngữ Văn
Nguyên Phó Chủ nhiệm 
Khối
THPT Chuyên - Đại học Vinh


Lại một mùa phượng nở

Lại lễ tổng kết trường

Lại sắp xa bè bạn

Lại một lần nhớ thương…

 

Cờ bay trong nắng sớm

Phượng đơm hoa đỏ đường

Màu bằng lăng tím ngát

Lại đến màu vấn vương…

 

Bao ngày bên bè bạn

Bao ngày bên cô thầy

Bao ngày bên đèn sách

Bao ngày học hăng say…

 

Đẹp sao tà áo mới

Đẹp sao nắng sân trường

Tuổi mười bảy, mười tám

Tóc ngát mùi gió hương!

 

Ta đã say học tập

Dường như quên tháng ngày

Ta lớn lên từng phút

Ta trưởng thành từng giây.

 

 
    

Hàng cây xanh tỏa bóng

Trường sáng trong nắng hồng

Thướt tha tà áo trắng

Bao mắt ngời sáng trong.


Ơi tuổi trẻ thần tiên

Ơi tuổi xuân tuyệt đẹp

Mái tóc song bồng bềnh

Và bao gương mặt đẹp…

 

Ta đi trên đường lớn

Ta hát trong trời mai

Ta cùng xây tương lai

Cho ngày mai tươi sáng

 

Sát cánh cùng bè bạn

Tiến bước theo cô thầy

Những má hồng hây hây

Những mắt đen lung liếng…

 

Nắm tay nhau cùng tiến

Khí thế như triều dâng

Đẹp sao tuổi thanh xuân

Thanh niên thời đại mới

 

Trên đường ta đi tới

Phơi phới trong gió xuân

Tuổi trẻ đẹp tuyệt trần

Có phải không bạn nhỉ?

 

Mang tâm hồn thi sĩ

Đón ngày vui hội trường

Bao bạn bè thân thương

Mừng vui ngày đoàn tụ

    

Trái tim luôn tự nhủ:

Phải xứng với nhà trường

Phải xứng với tình thương

Của thầy cô kính mến.

 

Mùa thi nay đã đến

Chúc các bạn thành công

Đời đẹp tựa hoa hồng

Luôn tự hào, bạn nhé!

 

Nhìn gì cũng mới mẻ

Thấy gì cũng đáng yêu

Ta phải thi thật siêu

Xứng công ta học đó.

 

 Cờ hãy bay trong gió

Trống hãy vang thùng thình

Bài ca hãy cất cánh

Lên chín tầng trời xanh!

 

Sân trường phượng lại đỏ tươi

Trên môi lại nở nụ cười đẹp sao

Thỏa lòng rày ước mai ao

Vui này hỏi có xuân nào vui hơn?

 

Xin đón chào! Xin cám ơn!

Hết hè ta lại tựu trường đông vui.

 


TỰ HÀO NGÔI TRƯỜNG CHUYÊN THÂN YÊU
Thành phố Vinh, 19/5/2016

  

Phượng hồng đã đỏ thành Vinh

Dập dìu áo trắng học sinh đến trường

Bằng lăng rực các ngã đường

Làm nền Lễ Kỷ niệm Trường năm nay

Năm mươi năm biết bao ngày,

Mà trông quang cảnh đổi thay thật nhiều.

Thầy trò dạy, học rất siêu

Phong trào như nước thủy triều dâng cao.

Con đường học vấn gian lao

Cho ta vươn tới đỉnh cao cuộc đời

Đường học tập, đường sang tươi

Đường đưa ta tới chân trời bao la

Năm nay Đại lễ mừng ta

Cùng nhau vui hát bài ca chúc mừng

Trường chuyên, lớp chọn tưng bừng

Năm mươi năm ấy không ngừng vươn lên

Thầy cô chí lớn, gan bền

Miệt mài giảng dạy trên nền chuyên sâu

Đường học vấn, đường dài lâu

Đường đưa ta đến dẫn đầu nay mai.

Nắm tay thẳng tới tương lai

Đã đi tất đến ngày mai chói lòa

Bốn phương đoàn tụ một nhà

Niềm vui kỷ niệm vỡ òa hôm nay!

Mặt ngắm mặt, tay cầm tay

Đẹp bao mái tóc tung bay giữa trời…

Cùng nhau cùng nói một lời:

Chúc thầy cô khỏe, mọi người hân hoan.

Biết bao tình nghĩa chứa chan

Biết bao sung sướng ngập tràn năm nay.

Năm mươi năm biết bao ngày

Cảnh quan trường sở đổi thay thật nhiều!

Đời ta như cánh sáo diều

Vút cao vươn tới chân trời ước mong.


     

Bầu trời Thu thật xanh trong

Ơn Trường mãi mãi trong lòng không phai

Cùng nhau thẳng tới tương lai

Cùng nhau tiến tới ngày mai sáng ngời

Ngôi Trường Chuyên của ta ơi!

Cho ta cất tiếng muôn lời hát ca.

Cuộc đời đẹp tựa như hoa

Tương lai đẹp tựa bài ca chúc mừng.

Khách thăm mặt ngẩng, chân dừng,

Nhà tầng bề thế mấy tầng cao cao

Đêm về điện sáng như sao

Lòng ai cũng thấy xôn xao vui cùng

Vui này vui lớn, vui chung

Đại học Vinh tiếng lẫy lừng gần xa

Ta về thăm lại Trường ta

Ta về đón cả ngàn hoa: rừng người.

Trường Chuyên Đại học ta ơi!

Cho ta được hát những lời thiết tha

Mầm tài năng nở như hoa,

Đẹp khắp đất nước, thật là vui thay!

Nhớ công đức lớn cô thầy

Nhớ bao bè bạn những ngày gian lao.

Niềm vui nén chặt tuôn trào

Trường Vinh ta đó biết bao nhiêu tình.

Dù xa lòng vẫn đinh ninh

Có ngày trở lại thắm tình đồng khoa

Thời chinh chiến đã lùi xa

Lớn trong gian khổ nhưng mà vui sao!

Thạch Thành đồi núi cao cao

Bao năm tầng trải gió Lào thành Vinh

Lòng ta nặng biết bao tình

Ngôi trường yêu dấu của mình bao năm

Giảng đường ta lại về thăm

Đại học Vinh thắm bao tình mến yêu

Tự hào không biết bao nhiêu!

  

CẢNH QUAN TRƯỜNG CHUYÊN TRƯỚC VÀ NAY

 

Những năm 80

Trường tôi cấp bốn đơn sơ

Vẫn ngời chói những giấc mơ tuyệt vời

Dù chưa mái ngói đỏ tươi,

Sớm hôm vẫn rộn tiếng cười giòn tan.

Dù chưa dãy dọc tòa ngang,

Vẫn tôn nghiêm cảnh thênh thang học đường!

Dù chưa tầng gác, cửa gương,

Vẫn nghe lộng gió bốn phương thổi vào…

 

 

 
    

Cảnh trường hôm nay

Trường nay vừa rộng vừa cao

Đêm đêm gió dẫn trăng vào đòi thơ!

Trường tôi hiện thực như mơ

Ngô đồng, phượng vĩ mấy bờ ngát xanh

Bằng lăng tím ngát trên cành

Đến màu tổng kết rực cành phượng tươi

Nhà tầng sáng một góc trời

Học sinh áo trắng nơi nơi tới trường.

Trong làn gió thoảng mùi hương

Dập dìu xe điện trên đường vui sao

Lòng tôi như sóng dạt dào

Hiện thực đã vượt chiêm bao không ngờ.

Đàn em khôn lớn từng giờ,

Lý tưởng, hoài bão, ước mơ sẽ thành

Như cờ bay giữa trời xanh,

Cánh chim câu giữa gió lành vút cao.

Thỏa long này ước mai ao

Con đường khoa học như sao giữa trời

Ngôi trường ta mến yêu ơi!

Niềm tự hào lớn giữa đời hôm nay.

Rượu nồng chưa uống đã say

Đáp đền cho khỏe bao ngày gian lao.

Ngôi trường ngày một vươn cao

Đẹp như mơ ước, chiêm bao giữa đời

Ta yêu Trường lắm, Trường ơi!

 


NIỀM VINH HẠNH LỚN VÀ TRÁCH NHIỆM NẶNG NỀ KHI ĐƯỢC GIẢNG DẠY NHỮNG HỌC SINH GIỎI

CỦA KHỐI THPT CHUYÊN, TRƯỜNG THPT CHUYÊN - ĐẠI HỌC VINH 

Trước khi trở thành một cán bộ giảng dạy ở Trường ĐHSP Vinh, tôi đã có gần 20 năm giảng dạy ở Trường Phổ thông, Trường Chuyên của tỉnh và tham gia bồi dưỡng nhiều đội tuyển dự thi học sinh giỏi toàn Miền Bắc. Nhờ vậy, việc dạy học sinh giỏi không phải quá xa lạ đối với tôi. Thế mà, từ tháng 9 năm 1984 tôi được Trường ĐHSP Vinh phân công dạy một môn học cơ bản ở Khối THPT Chuyên – ĐHSP Vinh, tôi vẫn không ít băn khoăn, lo lắng trước trách nhiệm mới. Bên cạnh niềm vui mừng, vinh dự được giảng dạy những học sinh đặc biệt, những học sinh thông minh của “Trường Bộ” (tên quen gọi lúc bấy giờ), trong lòng tôi vẫn canh cánh nỗi lo trước trách nhiệm mới tuy rất vẻ vang nhưng không dễ dàng chút nào. Để đền đáp lại sự tín nhiệm của Trường, tôi phải xốc lại hành trang, vốn liếng học vấn của mình, phải chuẩn bị đầy đủ sách vở, tư liệu tham khảo, chuẩn bị đầy đủ về tinh thần, vốn liếng sư phạm để hoàn thành tốt nhiệm vụ giảng dạy học sinh chuyên ở một Trường Đại học danh tiếng.

Sáng mồng 5 tháng 9 năm 1984, sau Lễ Khai giảng trang nghiêm, long trọng, tôi vào lớp tiếp xúc với các em học sinh “Trường Bộ”, những gương mặt sáng sủa, thông minh nhưng cũng rất khác nhau về cách ăn mặc, về phong cách, về nói năng vì các em học sinh từ nhiều tỉnh khác nhau hội tụ về đây. Sau khi chào đón, thăm hỏi các em, tôi trìu mến lướt mặt qua từng em và bỗng dấy lên trong lòng niềm vinh hạnh lớn của một thầy giáo được giao trách nhiệm giảng dạy những hạt giống quý, những mầm non đầy triển vọng trong thế giới học sinh thân yêu. Tôi mỉm cười và chợt nghĩ: đây không phải là đối tượng học sinh thầy, cô phải hò hét, thúc giục mới chịu học tập, đây là đối tượng học sinh có tư chất đặc biệt, có tính tự giác cao say mê học tập, tự các em tìm thấy niềm vui, niềm hạnh phúc trong lao động học hành, đây là “con nòi”. Tuy nhiên dạy đối tượng học sinh này cũng không phải dễ dàng gì. Thầy phải giỏi, phải giàu tri thức, phải đáp ứng được yêu cầu cao của học sinh. Dạy học sinh giỏi thầy phải kỳ công hơn, phải không ngừng học tập, nghiên cứu nâng cao trình độ của bản thân. Tôi lại nghĩ: làm nghề dạy học được dạy học sinh giỏi là hạnh phúc lớn của người thầy. Thầy giáo phải vừa là thầy, vừa là bạn của các em. Trò học được ở thầy rất nhiều về kiến thức, về phương pháp nhưng thầy cũng học lại được ở trò không ít về trí thông minh, sáng tạo của tuổi trẻ. Tôi ngẫm thấy thầy, cô giáo dạy Trường Chuyên phải học tập suốt đời, phải nghiên cứu suốt đời mới đáp ứng được tốt yêu cầu giảng dạy, giáo dục mang tính đặc thù của mình. Chỉ có Trường Chuyên mới thật sự đúng như mong ước của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng trước đây: “Thầy ra thầy, trò ra trò, trường ra trường, lớp ra lớp”. Thế thì thầy, cô giáo được dạy Trường Chuyên còn gì hạnh phúc hơn nữa?

Sau buổi dạy đầu tiên, tôi nghe một cô giáo lớn tuổi trong Khối tâm sự: “Thầy ạ, học sinh Trường Chuyên không những có trí, có tài mà còn rất có tình, nhiều em trưởng thành rất rạng rỡ, có địa vị xã hội cao ra trường nhiều năm vẫn không quên thầy cô giáo cũ, vẫn mãi mang ơn và nặng tình với các thầy, cô giáo đã tận tâm giảng dạy, dìu dắt, chăm sóc các em trong những năm tháng học hành ở Trường Chuyên…”. Tôi cảm ơn cô giáo đã cho tôi những thông tin tuyệt vời đó.

Từ đó trở đi, sau mỗi buổi dạy tôi trở về văn phòng ngồi uống nước và suy nghĩ: sống trong cuộc đời bao giờ vinh dự và hạnh phúc cũng đi đôi với nghĩa vụ và trách nhiệm. Thầy giáo Trường Chuyên phải có học thức uyên bác, phải dạy giỏi, phải tài ba, phải đúng là một nhà khoa học kiêm một nhà sư phạm đích thực. Thầy phải cao hơn trò ít nhất từ một cái đầu trở lên thì mới dạy tốt được. Dạy Trường Chuyên kết quả không thể là chung chung mà rất cụ thể, thể hiện trong kết quả từng giờ, từng ngày, từng tháng, từng năm; phải được thể hiện rất rõ qua những thửu thách nghiệt ngã của các Kỳ thi trong Trường, qua những Kỳ thi học sinh giỏi Quốc gia, Quốc tế. Thầy, cô giáo Trường Chuyên còn thường xuyên chịu sự thử thách, đánh giá vừa lòng hay không vừa lòng của học sinh qua từng tiết dạy cụ thể. Học sinh Trường Chuyên thường hay bình phẩm, bình luận đánh giá thầy bằng những lời lẽ của tuổi học trò thời nay: “Ông này dạy siêu”, “Ông này dạy giỏi”, “Ông này dạy khá”, “Ông này dạy được”,…Thầy nào, cô nào được học sinh kính phục, ngợi ca thì thực là “Đại hạnh phúc”, thầy nào, cô nào bị học sinh chê thì thật đáng buồn. Đó là những nét đặc thù của học sinh Trường Chuyên. Qua thực tiễn nhiều năm dạy ở Trường Chuyên, tôi thấy thầy giáo Trường Chuyên phải thực sự say mê nghề nghiệp, say mê khoa học thì mới lôi cuốn được học sinh say mê học tập môn mình phụ trách. Cường độ lao động của giáo viên Trường Chuyên cũng rất cao nên vất vả hơn giáo viên Trường Phổ thông nhiều. Từ thực tế bản thân, tôi nghiệm thấy rằng: giáo viên Trường Chuyên để đứng vững được lâu dài trên bục giảng thì phải dạy tốt suốt đời, phải suốt đời làm học trò với nghĩa hẹp, lẫn nghĩa rộng.

Học trò Trường Chuyên tuổi còn rất trẻ, hiếu học nhưng cũng khá hiếu danh, hiếu thắng.Tuổi trẻ mà! Lứa tuổi này rất muốn khẳng định mình trước tập thể và rất coi trọng những lời khen, lời động viên của thầy cô. Vì vậy, chúng ta không nên dè sẻn quá những lời khen những khi các em làm tốt một việc gì đó. Những lời động viên, cổ vũ  đúng lúc, đúng chỗ đối với các em có tác dụng rất kỳ diệu. Lãnh tụ Lê – nin có dặn các nhà giáo dục của nước Nga rằng: “Nhân tài rất hiếm, phải chú ý chăm chút và nuôi dưỡng tài năng”. Tôi bỗng nhớ lại khi còn trẻ, có lần tôi được vinh dự tham gia Đoàn đại biểu xuất sắc của Ngành Giáo dục vào gặp Bác Hồ ở Phủ Chủ tịch. Trong cuộc tiếp xúc nhớ đời ấy, tôi nhớ nhiều điều căn dặn vô cùng sâu sắc của Bác Hồ, trong đó có những câu: “Các cô chú làm nghề dạy học phải chú ý động viên, khen ngợi học sinh nhiều nhiều. Bác Hồ cũng rất thích được khen!...” Cả đoàn chúng tôi đều rất bất ngờ cười vui và vỗ tay vang dậy trước lời căn dặn rất bất ngờ và rất thú vị của Bác.

Trên đây tôi đã ca ngợi học sinh Trường Chuyên khá nhiều điểm ưu việt, rất đáng được thầy, cô giáo trân trọng, yêu mến. Tiếp theo, tôi xin nói thêm về đội ngũ thầy, cô giáo Trường Chuyên mà tôi đã rất trân trọng và nể phục. Tôi đã tham gia giảng dạy gần 30 năm ở Khối Chuyên, Trường Chuyên – Đại học Vinh. Tôi cảm thấy cuộc đời dạy học của mình thật hạnh phúc. Tôi đã được sống và công tác trong một tập thể sư phạm mẫu mực, đại bộ phận các thầy, cô đều thực sự có năng lực, giàu trí tuệ và tâm hồn, rất yêu nghề, yêu trẻ. Nhiều thầy, cô lúc đi học là những học sinh rất giỏi ở các Trường Phổ thông cũng như các Trường Đại học. Trong giáo dục có một chân lý: “Thầy nào trò ấy”. Những người có trình độ sống với nhau thường rất dễ chịu. Trong cuộc đời lại có một chân lý nữa: “Những người giỏi mới thật sự biết quý trọng những người giỏi”. Tôi thấy xung quanh tôi ai cũng biết quý trọng, tự hào, hãnh diện về nghề nghiệp vẻ vang của mình. Tôi đã trưởng thành lên rất nhiều qua công tác nhiều năm ở Khối Chuyên, Trường Chuyên – Đại học Vinh. Các thế hệ lãnh đạo Trường ĐHSP Vinh trước đây cũng như Trường Đại học Vinh hiện nay đều đã có nhiều quan tâm, ưu ái đầu tư cho Khối chuyên, Trường Chuyên, những thầy, cô giáo hàng đầu, những thầy, cô học giỏi, dạy giỏi của các Khoa. Lãnh đạo Trường Đại học Vinh đặc biệt ưu tiên một cơ sở vật chất tốt nhất, một môi trường sư phạm đặc biệt để thầy cô Trường Chuyên có điều kiện tốt dạy dỗ, chăm sóc học sinh yêu quý của mình. Trong nhiều năm Hội đồng Sư phạm của Trường Chuyên gồm 3 thế hệ khá hùng hậu bổ sung cho nhau để gánh vác và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ vẻ vang của mình là đào tạo nhân tài cho quê hương đất nước. Nếu không có sự ưu ái đó thì Khối Chuyên, Trường Chuyên sẽ không thể đạt được những thành tích tốt đẹp như thế.

Gần đây khi chuẩn bị tổ chức Lễ Kỷ niệm 50 năm thàng lập Trường THPT Chuyên – Đại học Vinh, Tiến sĩ Nguyễn Văn Thuận, Hiệu trưởng Nhà trường có gặp tôi đề nghị viết bài cho số Tập san đặc biệt xuất bản trong dịp tổ chức Lễ Kỷ niệm long trọng này, tôi đã vui vẻ nhận lời. Thầy Thuận có nói đề tài bài viết tùy thầy chọn, phù hợp với tinh thần, nội dung, chủ đề và có ý nghĩa sâu sắc là được. Thầy Hiệu trưởng cũng dặn tôi có ý kiến gì đề xuất với Trường thầy cứ phát triển trong bài viết. Vậy trước lúc kết thúc bài viết này tôi xin có vài lời đề xuất thêm. Nhìn một cách tổng thể làm được như Khối Chuyên, Trường THPT Chuyên - Đại học Vinh trong 50 năm qua là quý lắm rồi, là rất đáng trân trọng, tự hào. Tuy nhiên trong bối cảnh đất nước và thế giới hiện nay tôi xin đề nghị: bên cạnh chương trình chính khóa, phụ khóa, Trường nên dành thêm nhiều thời lượng cho chương trình ngoại khóa để tăng cường giáo dục học sinh về lý tưởng sống, về lý tưởng khoa học, lý tưởng nghề nghiệp, phẩm chất, tính cách, bản lĩnh của người trí thức Việt Nam trong thời đại hội nhập quốc tế, tuổi trẻ phải đi đầu trong sự nghiệp nâng cao vị thế của đất nước để sớm “sánh vai với các cường quốc 5 châu” như Bác Hồ kính yêu hằng mong muốn. Có như thế thì Trường Chuyên - Đại học Vinh càng lập được những thành tích rực rỡ hơn nữa, xứng đáng hơn nữa với danh hiệu đẹp đẽ: nơi ươm những mầm xanh trí tuệ, nơi vun trồng những tài năng trẻ tuổi của quê hương đất nước thân yêu.

Hôm nay, hòa chung với bước chân xiết bao rộn ràng, náo nức của lớp lớp đại biểu, của quan khách gần xa, hòa chung sánh vai với các thầy cô, cô giáo cũ và mới, tay nắm tay bao thế hệ học sinh thân yêu về dự Ngày lễ Kỷ niệm hoành tráng, tôi xin nhiệt liệt mừng vui, đón chào, bắt tay tất cả với một tình cảm vô cùng nồng thắm như cha chú, bà con, anh chị em trong một đại gia đình kéo nhau về đoàn tụ. Tôi xin dùng mấy câu lẫy Kiều để kết thúc bài viết này:

“Thỏa lòng rày ước mai ao
Vui này hỏi có vui nào vui hơn?
Xin đón chào! Xin cảm ơn!”
Ôm tất cả mọi người
Siết chặt tay tất cả mọi người”.

NƠI ƯƠM NHỮNG MẦM XANH TRÍ TUỆ - NƠI CHĂM SÓC, VUN TRỒNG NHỮNG NHÂN TÀI TƯƠNG LAI CHO ĐẤT NƯỚC

Năm nay, Trường THPT Chuyên - Đại học Vinh tưng bừng Kỷ niệm 50 năm thành lập, xây dựng, trưởng thành và phát triển. Ra đời trong hoàn cảnh chiến tranh vô cùng ác liệt, trải qua bao thử thách ghê gớm trong những năm đầy lửa khói cũng như những năm hòa bình xây dựng đầy khó khăn, thiếu thốn, Trường Đại học Sư phạm Vinh nói chung cũng như Khối Phổ thông Chuyên Toán nói riêng đã vươn lên không ngừng không nghỉ lập nên bao thành tích rực rỡ, to lớn thật đáng tự hào. Khối chuyên Toán, chuyên Tin, chuyên Lý trước đây cũng như Trường THPT Chuyên - Đại học Vinh ngày nay rất xứng đáng với danh hiệu cao quý: Nơi ươm những mầm xanh trí tuệ - Nơi chăm sóc, vun trồng những nhân tài tương lai cho đất nước. Trải qua chặng đường vừa tròn nửa thế kỷ hôm nay, nhìn lại một chặng đường dài đã qua, những ai trong cuộc ít nhiều đã có những đóng góp cống hiến cho sự nghiệp trồng người, bồi dưỡng nhân tài cao quý này đều tràn ngập niềm xúc động, sướng vui, tự hào trước sự trưởng thành vượt bậc của một Trường Chuyên trong lòng của một Trường Đại học có một bề dày gần 6 thập kỷ vô cùng vẻ vang trong sự nghiệp giáo dục khó khăn và cao cả.

"Chúng ta vui sướng hôm nay,
Càng nên nhớ lại những ngày gian lao"

Ngay trong những năm chiến tranh khốc liệt, Đảng và Nhà nước ta đã nghĩ tới sự nghiệp đào tạo nhân tài tương lai cho đất nước. Tháng 10 năm 1966, Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã ra Quyết định giao cho một số Trường Đại học phải nhanh chóng mở những lớp đào tạo nhân tài chuẩn bị cho kế hoạch hòa bình xây dựng, kiến thiết đất nước. Thực hiện Quyết định lịch sử đó, dù đang trong khói lửa chiến tranh, đang sơ tán ở vùng rừng núi phía Tây tỉnh Thanh Hóa, Trường Đại học Sư phạm Vinh tiến hành chiêu sinh lớp học sinh Chuyên Toán đặc biệt đầu tiên của các tỉnh phía Bắc miền Trung. Tháng 11/1966 tại một lán tranh đơn sơ Trường đã tổ chức Lễ Khai giảng một lớp Chuyên Toán đặc biệt với 36 học sinh và 12 thầy, cô giáo giảng dạy. Những mầm tài năng của quê hương, đất nước đã lớn lên, trưởng thành tốt đẹp từ đó. Tiếp theo nhiều năm sau đó lần lượt các khóa 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, v.v.. gặt hái được nhiều thành quả tốt đẹp, nhiều tài năng nổi tiếng của đất nước lần lượt xuất hiện. Xin được dẫn ra đây một số tiêu biểu nhất: Đại tá Lê Mỹ Tú – Nguyên Giám đốc Học viện Mật mã Trung ương; PGS.TSKH. Thiếu tướng Phạm Thế Long – Nguyên Chủ tịch Hội Toán học Việt Nam; PGS.TSKH Lê Tuấn Hoa - Phó Viện trưởng Viện Toán kiêm Tổng thư ký Hội Toán học Việt Nam; PGS.TS Nguyễn Cảnh Lương - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa; PGS.TS. Ngô Sĩ Tùng - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Vinh, v.v.. và v.v.. Lãnh đạo Trường Đại học Vinh đã chọn những giáo sư, tiến sĩ xuất sắc cho Khối Chuyên. Chất lượng đào tạo ngày càng được nâng cao. Niên khóa 1973 - 1974: Trường Đại học Sư phạm Vinh chuyển về thành phố Vinh, điều kiện giảng dạy và học tập của Khối Chuyên thuận lợi hơn nhiều. Đội ngũ cán bộ giảng dạy được tăng cường cả về lượng lẫn về chất. Từ những năm 80, 90 của thế kỷ trước điều kiện chủ quan, khách quan ngày càng thuận lợi, Trường Đại học Vinh quyết định cho mở thêm chuyên Tin, chuyên Lý, sang đầu những năm 2000 lần lượt Trường cho mở thêm chuyên Sinh, chuyên Anh. Thế rồi từ Khối Chuyên trở thành Trường đa chuyên (6 môn chuyên) như hôm nay. Trong nhiều năm Khối Chuyên Đại học Vinh được phụ huynh, học sinh quen gọi là "Trường Bộ" (tức Trường Đại học Sư phạm Vinh do Bộ Giáo dục quản lý) để phân biệt với "Trường Phan" (Trường Chuyên Phan Bội Châu của Nghệ An do Sở Giáo dục của tỉnh quản lý). Cho nên khi học sinh nói đến học "Trường Bộ" có vẻ oai hơn "Trường Phan" một chút.

Một sự kiện đặc biệt làm mức lòng mọi cán bộ, giáo viên, học sinh, phụ huynh trong Khối là năm 2001 Khối được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tặng Huân chương lao động hạng 3 về thành tích xuất sắc bồi dưỡng đào tạo học sinh giỏi cho cả khu 4 trong nhiều năm qua. Từ một lớp phát triển thành nhiều lớp gọi là Khối tiến tới thành Trường đa chuyên (6 chuyên môn) gọi tên là Trường THPT Chuyên - Đại học Vinh trực thuộc Trường Đại học Vinh đa ngành, Trường Đại học trọng điểm Quốc gia.

Nhiệm vụ chính trị chủ yếu của Trường THPT Chuyên – Đại học Vinh là: trên nền tảng giảng dạy, giáo dục kiến thức phổ thông theo sách giáo khoa, theo chương trình bắt buộc của Bộ Giáo dục và Đào tạo hiện hành, Trường tập trung cao độ cho việc nâng cao chất lượng giảng dạy 6 môn chuyên, trang bị cho học sinh một hệ thống kiến thức đề cao, nâng cao chuyên sâu và trang bị cho các em một hệ thống phương pháp học tập, nghiên cứu tối ưu để đạt được mục tiêu, mục đích đào tạo của từng bộ môn. Qua chương trình nội, ngoại khóa, phụ khóa, thí nghiệm, thực hành giúp học sinh nắm chắc tri thức cơ bản có hệ thống, phát triển tư duy mạnh mẽ để các em có điều kiện tiến xa khi lên học chuyên ngành ở các Trường Đại học trong và ngoài nước. Đối với những em thực sự thông minh, có tư chất, tố chất đặc biệt thì giúp các em có đủ điều kiện để tương lai trở thành những nhà khoa học, những nhà chuyên môn, những nhà quản lý có tầm cỡ, những nhà công nghệ, những nhà phát minh, sáng chế tài năng. Đó là những nhân tài đích thực của đất nước trong một tương lai gần, tương lai xa. Mặc dầu chỉ là một đơn vị, một bộ phận của một Trường Đại học lớn nhưng là một bộ phận đặc biệt, chuyên biệt nên Trường THPT Chuyên – Đại học Vinh được nhiều thế hệ lãnh đạo Nhà trường, các Khoa, các Phòng ban chức năng, các cán bộ phục vụ luôn luôn ưu ái quan tâm hỗ trợ, giúp đỡ, tạo điều kiện tốt nhất cho Trường Chuyên hoạt động. Trong 50 năm qua đã có hàng trăm thầy, cô giáo giỏi của các Khoa tham gia giảng dạy, bồi dưỡng nâng cao kiến thức, năng lực của học sinh Khối Chuyên. Hàng năm Trường cử người ra Hà Nội mời các giáo sư, tiến sĩ giỏi, những cán bộ, chuyên gia đầu ngành, những nhà khoa học về giảng dạy hay ngoại khóa, phụ khóa cho các em. Nhiều Phòng ban chức năng, Tổ chức trong Trường Đại học Vinh đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi nhất về con người, về cơ sở vật chất, về thiết bị, sách vở, tài liệu, phòng học, phòng thí nghiệm, thực hành cho thầy trò học tập, nghiên cứu, rèn luyện kỹ năng, v.v.. Nhờ vậy, học sinh Trường THPT Chuyên - Đại học Vinh mỗi lần tham gia các cuộc thi trong và ngoài nước tổ chức đều giành được nhiều giải cao, mang thành tích vinh quang về cho Trường. Trường đã dạy được hàng trăm học sinh giỏi cấp Tỉnh, gần ba trăm học sinh giỏi Quốc gia, rất nhiều em đạt giải Báo Toán học và Tuổi trẻ, Vật lý và Tuổi trẻ, hàng chục em đạt giải Toán quốc tế và khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Đó là các em Lê Ngọc Chuyên (IMO 1976), Nguyễn Tuấn Hùng (IMO 1978), Nguyễn Trí Dũng (APMO 1997), Nguyễn Xuân Tương (APMO 1998), Ngô Anh Tuấn (APMO 1999), Trần Đức Sơn (APMO 2000), Phan Đăng Khoa (APMO 2001), Mai Thanh Hoàng (IMO 2002), Phạm Thái Khánh Hiệp (IM 2002), Lê Hồng Quý (IMO 2006), Dương Trọng Hoàng (IMO 2008), Đinh Lê Công (IMO 2013).

Tính đến nay trong số hàng ngàn học sinh do Khối Chuyên, Trường Chuyên - Đại học Vinh đào tạo đã có hàng trăm em vươn tới những đỉnh cao của học vấn: rất nhiều giáo sư, tiến sĩ khoa học nổi tiếng khắp đất nước, có hàng trăm chuyên gia đầu ngành, hàng mấy trăm cán bộ giảng dạy ở bậc Đại học, làm việc ở các Viện nghiên cứu, nhiều em làm Giám đốc, Tổng Giám đốc ở nhiều Công ty lớn, có những em trở thành những nhà doanh nghiệp rất nổi tiếng, có nhiều em làm việc ở nước ngoài hay nghiên cứu ở nước ngoài, v.v..

Những thành tích trên đây là kết quả tổng hợp của nhiều nhân tố chủ quan, khách quan, nội lực, ngoại lực tạo nên. Trong đó nhân tố đầu tiên và quyết định nhất là sự nỗ lực phấn đấu liên tục của Ban Chủ nhiệm Khối, Ban Lãnh đạo Trường Chuyên, đội ngũ giáo viên, cán bộ công nhân viên. Họ là những nhà quản lý những thầy cô giáo đầy tài năng và tâm huyết ngày đêm hiến dâng trái tim và nghị lực, nhiệt tình và tri thức cho sự nghiệp giảng dạy học sinh giỏi, say sưa bồi dưỡng, dìu dắt các em trở thành những tài năng thực sự cho đất nước thân yêu. Đó là kết quả của tinh thần đoàn kết nhất trí, chung sức chung lòng cống hiến không không biết bao mệt mỏi cho sự nghiệp giáo dục cao cả và vẻ vang. Nhiều thầy cô giáo là những nhà sư phạm tài năng, là những tấm gương sáng say mê khoa học, say mê sự nghiệp trồng người, luôn làm gương, làm mẫu cho học sinh. Chân lý: "Thầy nào trò ấy" được thể hiện rất đậm nét trong kết quả giáo dục, giảng dạy trong suốt 50 năm qua. Môi trường sư phạm, môi trường khoa học, môi trường văn hóa, văn minh của một Tường Đại học có tầm cỡ lớn tồn tại và phát triển trong gần 6 thập kỷ cùng là một nhân tố quan trọng góp phần hình thành nhân cách, phẩm chất tốt đẹp của học sinh trường Chuyên. Trường có một Thư viện lớn với hàng vạn bản sách, với hệ thống các phòng học ở gần kề với khu vực Trường Chuyên cũng là một nhân tố tuyệt vời đối với người dạy cũng như người học. Chung quanh Trường có một hệ thống "vệ tinh" Thư viện là rất nhiều ốt bán sách, báo, tài liệu tham khảo nghiên cứu cũng là một cơ sở vật chất tinh thần thật đáng quý đối với Trường Chuyên. Qua thầy, cô, qua sách vở, qua mạng lưới intenet các em thường xuyên được tiếp xúc với khá đủ loại thông tin, tri thức phổ thông hoặc chuyên sâu là môi trường học tập rất tốt đối với các em. Ngoài 6 môn chuyên chủ lực, ở đây các em còn được học tập, tiếp thu một cách tinh giản, đầy đủ, chắc chắn hệ thống kiến thức của những môn không chuyên để làm vốn liếng dùng trong cả cuộc đời và để dự thi có kết quả vào nhiều Trường Đại học khác nhau. Đó là điểm ưu việt khi các em được học ở một Trường Chuyên có danh tiếng trong suốt 1/2 thế kỷ.

Tất cả những điều tốt đẹp trên đây ở Trường Chuyên - Đại học Vinh đã hình thành ở các thế hệ học sinh những nhân tố, phẩm chất tốt đẹp, những năng lực trí tuệ, bản lĩnh để các em sớm thích nghi, hòa nhập được với môi trường cuộc sống hiện đại, mỗi con người phải tự khẳng định được mình trước xã hội, trước cuộc đời. Do vậy nên uy tín, vị thế của Trường Chuyên - Đại học Vinh ngày càng được nâng cao, học sinh giỏi đến học ngày càng đông. Nhiều phụ huynh xa gần thiết tha mong muốn cho con em dự thi vào học để sớm khôn lớn trưởng thành như ý nguyện của gia đình và yêu cầu đòi hỏi của đất nước. Trong sự phát triển đi lên khó khăn, thử thách còn không ít nhưng với bề dày của 50 năm xây dựng, trưởng thành và phát triển với tư cách chủ thể của vườn ươm những mầm xanh trí tuệ, nơi vun trồng những tài năng cho đất nước, thầy trò Trường Chuyên - Đại học Vinh sẽ tiếp tục nỗ lực phấn đấu làm tốt hơn nữa nhiệm vụ vẻ vang, cao cả của mình, luôn xứng đáng với lòng mong đợi của các bậc phụ huynh, của toàn thể học sinh và toàn xã hội đối với chúng tôi.

 Thành phố Vinh, tháng 9 năm 2016